MASIGNASUKAv102
6510051498749449419

Trồng hoa trong vườn rau để làm gì?

Trồng hoa trong vườn rau để làm gì?
Add Group
17 tháng 1
Trong canh tác nông nghiệp ngày nay, việc trồng hoa chỉ thấy xuất hiện ở các vườn trồng hoa, còn các vườn trồng rau củ, cây ăn trái thì lại không trồng hoa mà chỉ thấy dùng thuốc diệt trừ côn trùng để thay thế chức năng cốt lõi của loài hoa. Có lẽ thuốc diệt côn trùng của con người có hiệu quả hơn "thuốc diệt côn trùng của thiên nhiên", chắc vậy!? 🤣

TRỒNG HOA TRONG VƯỜN RAU ĐỂ LÀM GÌ? | CÓ ĂN ĐƯỢC KHÔNG | 4 ĐIỀU BẠN CÓ THỂ CHƯA BIẾT

Phần lớn người canh tác nông nghiệp và cả người tiêu dùng thường phân biệt đối xử với các loài hoa, như hoa hồng, hoa lan... thì được nâng niu, gìn giữ. Còn các loại hoa dễ mọc, dễ trồng... như hoa xuyến chi, hoa cúc quỳ (dã quỳ),... thì được xem là cỏ dại, bị chà đạp, bị phun thuốc diệt cỏ... dù nó chỉ mọc ở bờ rào 😐.

Vì canh tác độc canh chỉ trồng một loại rau, củ, quả và hoa đã làm mất sự đa dạng cây trồng trong khu vườn gây nên sự mất sự đa dạng và cân bằng giữa các loài côn trùng, động vật, vi sinh vật, nấm... nên việc trồng đa dạng các loại cây nói chung và các loại hoa nói riêng là một việc không thể thiếu trong một khu vườn 😉.

Các loài hoa đều có các đặc điểm và chức năng đặc biệt, dù là hoa thương mại hay hoa mọc dại thì giá trị là như nhau nếu ta biết và hiểu được giá trị của chúng. Vậy giá trị đó là gì và tại sao vườn rau lại đi trồng thêm hoa để làm gì 🤔? zô nè... 👉

TRỒNG HOA TRONG VƯỜN RAU ĐỂ LÀM GÌ?

THU HÚT CÁC LOÀI CÔN TRÙNG

Trồng hoa để thu hút thiên địch

Nguyên nhân vườn rau bị sâu, bệnh, côn trùng... phá hoại phần lớn là do việc canh tác độc canh, thâm canh, sử dụng quá nhiều thuốc BVTV ☠️. Việc trồng thêm hoa không phải để thu hút các loại côn trùng ăn rau, củ, quả... mà để thu hút các loại côn trùng ăn côn trùng hay còn gọi là thiên địch 👍


THIÊN ĐỊCH LÀ GÌ? 🐝

Thiên địch là các loài động vật, côn trùng như ếch, chuồn chuồn, bọ ngựa, bọ rùa, cóc, chim sâu (để diệt côn trùng sâu bọ), cú, rắn, mèo (diệt chuột và gặm nhấm)... có khả năng diệt trừ bằng cách ăn hoặc gây bệnh các sinh vật ăn rau, củ, quả,... . Việc sử dụng thiên địch là một trong những biện pháp sinh học được ứng dụng nhằm hạn chế sự thất thoát mùa màng 🌳
Trồng hoa để thu hút thiên địch

Mỗi hệ sinh thái nông nghiệp (tùy vào loại cây canh tác) và tùy vào cách tấn công sẽ có những nhóm thiên địch khác nhau. Có thể chia thiên địch thành 2 nhóm phổ biến và dưới đây là một số thiên địch thường dễ bắt gặp:
  1. Nhóm bắt mồi, ăn thịt 🕷️: Chim, kiến, nhện, chuồn chuồn, châu chấu, bọ ngựa, bọ cánh cứng (như bọ rùa, kiến ba khoang "huyền thoại"...),...
    • Các loài nhện ăn thịt như nhện lùn, nhện nhảy, nhện lưới, nhện linh miêu… chúng dùng màng nhện để bẫy mồi, một số loài khác thì rình rập và tấn công phục kích và có thế ăn bất cứ loài nào mà chúng săn bắt được như sâu bọ, rệp, sâu bướm, châu chấu, ruồi giấm. Một nhện trưởng thành có thể ăn tới 15 con mồi mỗi ngày 🕸️.
    • Các loài chuồn chuồn như chuồn chuồn kim, chuồn chuồn ngô... chúng có thể bắt mồi ở trên không, hoặc bổ nhào xuống như máy bay trực thăng. Thức ăn của chuồn chuồn đa phần là côn trùng, sâu bọ. Trước sự tấn công của “không lực chuồn chuồn” thì khó có kẻ nào thoát được. Con chuồn chuồn trong tiếng anh gọi là gì nhỉ 🤔? DragonFly 🐲.
    • Hầu hết các loài kiến đều ăn thịt và món ăn ưa thích là các loài sâu bọ. Kiến được nghe nhiều nhất dùng làm thiên địch là kiến vàng 🐜.
    • Bọ ngựa, đây là một trong những loài săn mồi "hảo hạng", chúng ít khi về không khi đã vác những “thanh kiếm” răng cưa sắc nhọn đi kiếm mồi 😆.
  2. Nhóm ký sinh 🐝: Ong ký sinh, Vi sinh vật ký sinh...
    • Ong ký sinh như ong cự, ong kén nhỏ, ong đen... chúng sẽ tìm sâu non, nhộng ẩn náu sau bẹ lá và trong thân cây và đẻ trứng vào đó, vât chủ có thể bị nhiều con ong ký sinh, nhưng chỉ có thể nở ra một con ong cái duy nhất 😱.
    • Vi sinh vật ký sinh như nấm Metarhizium (nấm xanh), nấm Beauveria (nấm trắng), nấm tua... Nấm hủy hoại các mô mềm và dịch cơ thể của ký chủ, ăn chất bổ của cơ thể côn trùng và chúng phát triển ra bên ngoài cơ thể ký chủ 🐛.
Bình luận về thiên địch



Theo các nhà khoa học, những cây có hoa thường có mật hoa và phấn hoa. Rất nhiều loài côn trùng thích ăn hai phần này vì có nhiều chất đường, protêin... Đặc biệt, cây có hoa trắng 🌼 và hoa vàng 🌻 có nhiều phấn sẽ càng thu hút nhiều thiên địch, chúng đến hút mật, đẻ trứng và tấn công các loài sâu hại. Một số loài hoa thường được trồng để thu hút thiên địch: Hoa cúc vạn thọ, Hoa hướng dươngHoa sao nhái 👍.



🔔 Ngoài việc thu hút các loài thiên địch để giúp duy trì ổn định các loài côn trùng thì việc trồng hoa trong vườn rau, củ và đặc biệt là quả sẽ giúp cây trồng được thụ phấn tốt hơn, ong có thể lấy mật...





NGUỒN DINH DƯỠNG CHO CÂY TRỒNG VÀ VẬT NUÔI

Nhiều loài hoa cỏ thường dễ trồng như cây hoa xuyến chi, cỏ lào (bớp bớp, cỏ hôi, cây cộng sản), cây hoa dã quỳ (cúc quỳ), điên điển (điền thanh)... 🌱 thường được trồng ở ven bờ rào, bờ ruộng để làm phân xanh hoặc làm lớp phủ cho đất...

Hoa làm phân xanh

Cây điên điển (điền thanh) là một loài cây thuộc họ Đậu góp phần rất lớn trong việc cải tạo đất. Việc sử dụng phân bón vô cơ, thuốc hóa học làm cho đất trở nên cằn cỗi, bạc màu. Sau khi được cải tạo bằng cây điên điển sẽ trở nên màu mỡ, tơi xốp hơn 😀.

Cây điên điển

Cây cỏ lào (bớp bớp, cỏ hôi,...) rất giàu đạm, thành phần: 2,65% đạm; 0,5% phosphor và 2,48% kalium. Các bộ phận của cây đều chứa tinh dầu, alcaloid, tanin.

Hoa dã quỳ, đặc trưng của vùng Tây Nguyên, thân dã quỳ chứa P, Ca, Mg và nhiều nhất là Kali nên làm phân hữu cơ khá tốt. Nhờ hạt dễ phát tán, cây dễ trồng nhờ giâm cành nên loài cây này dần dà chiếm lĩnh các nơi hoang dại ở khắp Tây Nguyên 😉.


Hoa cũng là một nguồn dinh dưỡng thơm ngon cho gia súc như hoa hướng dương sau khi được ủ chua 🌻.

TRỒNG HOA ĐỂ LÀM THUỐC VÀ THỰC PHẨM CHO CON NGƯỜI

Hoa có thể được dùng làm thuốc thì chắc các bạn cũng đã biết, ngay cả việc ngắm hoa thôi cũng là một cách để trị bệnh rồi. Vì chúng mang lại cho bạn cảm giác vui vẻ, hạnh phúc ảnh hưởng tích cực đến tâm trạng của bạn 😌.

TRỒNG HOA ĐỂ LÀM THUỐC

Dưới đây là công dụng chữa bệnh của một số loài hoa quen thuộc, thường thấy và dễ tìm xung quanh bạn:
  • Hoa hồng 🌹 với vị ngọt, mùi thơm ngát, tính bình, hoa hồng có công dụng chữa trị các chứng bệnh: ho ra máu, các bệnh về gan, đường ruột, tiểu tiện, lị ra máu. Đông y thường sử dụng hồng đỏ (mai khôi hoa) và trắng (hồng bạch) để làm thuốc. Xem thêm
  • Cúc Vạn thọ không chỉ có tác dụng thu hút thiên địch mà cánh hoa vạn thọ có thể chế biến thành thuốc rửa mắt rất tốt. Y học cổ truyền và hiện đại đều sử dụng cúc vạn thọ làm thuốc mỡ để bôi vào những chỗ da bị trầy xước. Loại hoa này có công dụng khử trùng và phòng chống nấm. Xem thêm
  • Hoa sen là loại hoa có tính kháng vi rút và vi khuẩn có tác dụng làm mờ vết thâm, trị cảm lạnh và cúm. Thường xuyên sử dụng tinh chất hoa sen để xoa dịu vết thâm và bạn sẽ có một làn da mềm mại, tươi sáng. Xem thêm
  • Bồ công anh chữa được viêm loét dạ dày, thiếu máu, căng thẳng thần kinh, các bệnh ngoài da, bệnh vàng da và giúp làn da tươi sáng, trẻ hóa... Ngoài ra, chúng còn có tác dụng lọc máu và tốt cho những bệnh nhân loãng xương, còi xương, biếng ăn, suy nhược cơ thể. Xem thêm
  • Trà hoa atiso đỏ được xem là “thần dược” bởi tác dụng mát gan và giải độc cơ thể vô cùng hiệu quả. Ngoài ra, nó còn hỗ trợ đề phòng các bệnh về tim mạch, huyết áp, rối loạn tiêu hóa, hạn chế tình trạng mụn nhọt, thâm nám, da không đều màu. Xem thêm 


Hoa không chỉ được trồng để thu hút thiên địch, làm phân xanh, làm thuốc, giữ ẩm cho đất... mà còn để làm ra các món ăn không những ngon mà còn rất bổ dưỡng cho các bạn 😍. Và dưới đây sẽ là một số loại hoa dễ ăn, dễ trồng thường gặp:


Trồng hoa làm thức ăn

  • Hoa thiên lý hay Dạ ly hương, không chỉ là nguyên liệu để chế biến thuốc mà còn được xem là món ăn dinh dưỡng. Vị ngọt của hoa thiên lý rất hợp để nấu các món canh đơn giản với thịt lợn, xương hay hầm với giò lợn hoặc xào với thịt bò thì ngon khỏi phải bàn 🤤. 
  • Hoa hẹ, khá phổ biến vừa để trang trí, vừa làm món xào tạo hương vị hấp dẫn. Hoa hẹ có màu trắng và dễ chế biến nhất là hoa hẹ nấu đậu phụ, thêm ít thịt nạc băm, ăn mát và giải nhiệt trong mùa hè. 
  • Hoa astisô chứa protein, lipid, glucid, mangan, sắt, các vitamin A, B1, B2 và vitamin C, giúp ăn ngon, bổ tâm can, lọc máu giải độc. Người ta còn chẻ hoa atisô nhỏ ra, rồi hầm với xương, thịt heo hoặc thịt bò ăn rất tốt.
  • Hoa bí là món ăn dân dã, phổ biến khắp cả nước. Hoa bí có thể ăn được là hoa bí đực của cây bí rợ, không ra quả. Bông bí lớn, màu vàng tươi rất vui mắt.
  • Cây hoa điên điển còn được người dân các tỉnh miền Tây Nam Bộ gọi bằng cái tên rất dân dã: hoa mùa lũ, hoa cứu đói. Loại hoa này nở theo mùa nước lũ tại vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long. Mùa lũ cũng là mùa đói của nhiều người dân ở đây, lúc này ngoài cá thì các loại rau củ quả khá hiếm hoi.



TRỒNG HOA ĐỂ LÀM HÀNG RÀO

TRỒNG HOA ĐỂ LÀM HÀNG RÀO

Trồng hoa để làm hàng rào không những có tác dụng làm hàng rào mà hoa ở hàng rào còn giúp thu hút thiên địchnguồn phân xanh rất tốt cho vườn chống sạt lở đất ở hàng rào 👍. Một số loài hoa dễ trồng làm hàng rào như:
  • Hoa dâm bụt, từ xưa cho đến nay hoa dâm bụt vẫn là loài hoa được nhiều gia đình trồng làm hàng rào phổ biến nhất và nhờ khả năng thích nghi tốt với môi trường nên chúng mọc lan rất nhanh.
  • Hoa giấy, cũng như hoa dâm bụt chúng cũng được xem là loài hoa trồng rất dễ và sống rất khỏe. Hoa giấy là loài cây dễ trồng và ưa khí hậu nhiệt đới của Việt Nam nên được trồng rộng rãi làm cây trồng hàng rào tô điểm thêm cho vườn nhà với đủ màu sắc rực rỡ như trắng, hồng, đỏ, vàng...
  • Dây tigon là một loài cây dây leo được sử dụng làm cây trồng hàng rào rất lý tưởng, là loài cây leo thân gỗ và có hoa nở quanh năm. Cây tigon là loài cây phù hợp cho đô thị vì nó chịu được không khí ô nhiễm, không gian hạn chế, không đủ ánh nắng mặt trời và đất nghèo dinh dưỡng.
  • Hoa dã quỳ (cúc quỳ) thường được người dân Tây Nguyên trồng làm hàng rào hoặc trồng sát hàng rào để che chắn, trang trí cho bờ rào thêm màu hoa rực rỡ và là nguồn phân xanh giàu Kali cho vườn rau 😀.


 Tài liệu tham khảo: 
https://baomoi.com/13-loai-hoa-co-tac-dung-chua-benh-nhu-thao-duoc/c/19833579.epi.
https://caycanhthanglong.vn/nhung-loai-hoa-co-the-an-duoc.html

Chúc các bạn Bình an - Hạnh phúc - Thành công

Kiến thức căn bản nhất về nông nghiệp: Những bài học từ thiên nhiên

Kiến thức nên biết trong cuộc sống: Ăn sạch sống khỏe | Cảnh báo an toàn sống | Thương trường muôn mặt

Nếu đây là lần đầu bạn đến website này thì mình có ít quà gửi bạn, bạn nhấn vào đây để lấy quà nha: Nhận quà 🎁

Nếu có câu hỏi gì liên quan đến bài viết trên thì bạn cứ bình luận ở bên dưới nhé.

Nếu bạn có sao chép nội dung bài viết này thì đặt giúp mình Hashtag: #tailieuhcmus hoặc Nguồn: tailieuhcmus.blogspot.com nhé.

Cảm ơn bạn đã xem 😀. 

Tài Liệu HCMUS

Nếu có câu hỏi liên quan đến bài viết trên thì bạn có thể đặt câu hỏi ở phần bình luận bên dưới nhé. Và nếu bạn sao chép nội dung bài viết này mong bạn sẽ đặt giúp mình Hashtag: #tailieuhcmus hoặc Nguồn: www.tailieuhcmus.blogspot.com nhé. Chúc bạn một ngày tốt lành.